Toàn tỉnh có gần 1.200 nhà yến
Hiện toàn tỉnh có gần 1.200 nhà yến, tăng khoảng 650 nhà so với năm 2020. Trong đó, số nhà yến ở khu vực Đồng Tháp Mười chiếm trên 60%, với khoảng 700 nhà yến. Sự phát triển nhanh chóng này được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, trong đó có giá trị kinh tế cao của yến, chính sách hỗ trợ của địa phương và tiềm năng phát triển của ngành.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2020, tỉnh đã ban hành danh sách vùng được phép nuôi yến. Theo đó, vùng nuôi chim yến phải nằm ngoài các khu vực không được phép chăn nuôi gồm khu vực các phường của TP.Tân An, thị xã Kiến Tường; khu vực thị trấn thuộc các huyện Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc, Thủ Thừa, Tân Trụ, Châu Thành, Đức Huệ, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Hưng; khu, cụm, tuyến dân cư hiện hữu hoặc có chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, nhà yến phải có khoảng cách tối thiểu 300m tính từ ranh giới hành chính của khu vực không được phép chăn nuôi.
Bên trong 1 nhà yến tại huyện Tân Thạnh
Trên cơ sở quy định vùng nuôi và đặc tính của loài chim yến, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh tiếp tục định hướng các tiểu vùng đáp ứng được điều kiện để phát triển ngành yến gắn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương và các quy định pháp luật chuyên ngành về đầu tư, xây dựng và môi trường.
Cùng với đó, Sở đã và đang phối hợp các sở, ngành liên quan để quản lý về cấp phép xây dựng nhà yến. Đồng thời, Sở cũng đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tổ yến; khuyến khích thành lập Hội nuôi yến, tham gia Hiệp hội yến sào, tham gia xây dựng sản phẩm OCOP,…
Ngoài ra, Sở còn phối hợp các địa phương thực hiện rà soát các cơ sở nuôi có nhu cầu xuất khẩu sản phẩm tổ yến; nắm bắt thông tin khó khăn của nông hộ, cơ sở. Qua đó, có những chính sách hỗ trợ kịp thời để thúc đẩy nghề nuôi yến phát triển đúng với tiềm năng, lợi thế./.
Minh Tuệ